Vì sự tiện lợi nên hầu hết mọi gia đình thời hiện đại đều sử dụng nồi cơm điện thay cho việc nấu cơm củi truyền thống. Trên thị trường hiện đang có khá nhiều loại nồi cơm điện, được mọi người ưa chuộng nhất vẫn là nồi cơm điện cơ (loại có 2 nút bật) bởi giá cả phải chăng, nấu được nhiều cơm và rất dễ sử dụng.
Tuy nhiên sau một thời gian sử dụng, nồi cơm điện cơ thường bị lỗi bật nút sớm khiến cơm bị sống hoặc chín không đều. Ngoài ra cũng có trường hợp bật nút bị trễ hay thậm chí không bật nút dẫn đến nấu quá lâu khiến cơm bị khô cứng cho đến cháy khét (khê)… Tình trạng này còn xảy ra trên những chiếc nồi cơm điện mới vẫn đang trong thời gian bảo hành.
Có nhiều nguyên nhân khiến nồi cơm điện nấu cơm bị sống nhưng nếu bạn đã canh đủ lượng nước và nấu đủ lượng cao với dung tích tối đa của nồi thì có thể là do sự cố từ các bộ phận bên trong. Dưới đây là 3 nguyên nhân khiến nút nồi cơm điện bị bật sớm, trễ, không bật khiếm cơm bị sống, khét và cách khắc phục. Mời các bạn tham khảo.
1. Mâm nhiệt
Mâm nhiệt là một tấm kim loại nằm dưới đáy vỏ nồi cơm điện cũng là nơi tiếp xúc với lòng nồi. Trong quá trình nấu bề mặt của mâm nhiệt sẽ truyền lượng nhiệt đến lòng nồi để cơm chín. Nếu bề mặt tiếp xúc của mâm nhiệt bị bẩn (cơm, gạo rơi vãi…) hoặc bị cong vênh so với hình dạng ban đầu thì sẽ ảnh hưởng đến khả năng truyền nhiệt và gây ra hiện tượng bật nút nhưng cơm chưa chín.

Vậy nên trước hết bạn hãy chú ý bề mặt tiếp xúc của mâm nhiệt, nếu bị một lớp bẩn dày thì nên lau chùi cho sạch. Còn nếu mâm nhiệt bị cong, vênh hoặc có nứt gãy thì tốt nhất nên mua một mâm nhiệt mới để thay thế. Giá của mỗi chiếc mâm nhiệt nồi cơm điện mới hiện nay khoảng từ (tùy loại, kích thước). Để chắc ăn hơn bạn nên nhờ người bán tư vấn kỹ trước khi mua hoặc nếu không tự tin với khả năng tháo lắp có thể mang đến các cơ sở sửa chữa điện gia dụng.
2. Đáy lòng nồi
Bên ngoài đáy lòng nồi (ruột nồi cơm điện) là khu vực tiếp xúc trực tiếp với bề mặt mâm nhiệt để dẫn nhiệt độ làm chín cơm. Vì nhiều lý do khác nhau, đáy lòng nồi có thể bị bám bẩn và nếu lau ngày không vệ sinh lớp bẩn này sẽ dày hơn ảnh hưởng để khả năng truyền nhiệt.

Ngoài ra trong quá trình chuẩn bị trước khi nấu, nhiều người dùng thường có thói quen vo gạo ngay trong lòng nồi. Điều này khó tránh khỏi tình trạng đáy lòng nồi bị tác động dẫn đến bị móp, lõm… khiến bề mặt tiếp xúc với mâm nhiệt không còn hiệu quả như lúc đầu dẫn đến tình trạng cơm sống nhưng đã bật nút.
Nếu quả thật đáy lòng nồi bị móp, lõm so với lúc mới mua nồi cơm điện thì đã đến lúc bạn nên thay thế một lòng nồi mới. Dĩ nhiên hãy chọn mua lòng nồi mới có kích thước và dung tích tương đương với lòng nồi cũ để tránh tình trạng bị lỏng lẽo hoặc quá to với vỏ nồi cơm điện nhé.
3. Rờ le nhiệt
Trong điều kiện sử dụng bình thường thì có lẽ rờ le nhiệt là bộ phận dễ bị hư hỏng nhất trong nồi cơm điện. Đây cũng là linh kiện quan trọng nhất của nồi cơm điện, quyết định phần lớn độ chín của cơm. Rờ le nhiệt có vai trò tự động chuyển chế độ từ nấu (Cook) sang chế độ hâm (Warm) khi cơm đã chín hay còn gọi là bật nút. Nếu rờ le nhiệt có vấn đề, cơm có thể bị sống do bật nút sớm (thường gặp nhất) hoặc bị khét vì không tự động bật nút (hiếm gặp).

Cách thành phần chính của rờ le nhiệt trong nồi cơm điện bao gồm 1 lò xo bên ngoài, 1 lò xo bên trong, 1 nam châm vĩnh cửu, 1 lá thép, đầu tiếp xúc đáy lòng nồi và vỏ. Nguyên lí hoạt động của nó như sau:
- Khi bạn bấm nút Cook để bắt đầu nấu, nam châm sẽ được hít vào lá thép để bắt đầu truyền nhiệt. Trong quá trình truyền nhiệt, nam châm sẽ bị mất từ tính dần dàn cho đến khi đạt một ngưỡng nhất định sẽ mất sạch từ tính và tự động nhảy khỏi lá thép nhờ lò xo. Và khi đó nút sẽ bật, bạn có thể nghe tiếng cách – nghĩa là cơm sắp chín.
Trên là nguyên lí hoạt động của rờ le nhiệt khi ở trạng thái bình thường. Còn khi rờ le nhiệt bị hỏng nồi cơm điện sẽ bật nút sớm hơn bình thường khiến cơm bị sống là do hiệu quả từ tính trong nam châm đã suy giảm. Đối với nồi cơm điện bật nút trễ hoặc không bật nút thì nguyên nhân duy nhất chỉ có thể đến từ lò xo bên trong rờ le không còn đủ lực đàn hồi.
Vậy nên vấn đề chung quy vẫn là do rờ le nhiệt. Trên mạng chia sẻ khá nhiều giải pháp cho trường hợp này như: cắt bớt lò xo, chêm đồng xu vào đầu tiếp xúc của rờ le… tuy nhiên để hiệu quả được kéo dài và ổn định nhất dù là cơm sống hay bị khét thì bạn nên thay thế hẳn một rờ le nhiệt mới.
Hiện nay mỗi chiếc rờ le nhiệt của nồi cơm điện thường có giá rất rẻ chỉ khoảng 10-15k và được bán rộng rãi trên các kênh thương mại điện tử nên rất dễ để mua. Phần lớn các nồi cơm điện cơ (nắp rời hay nắp liền) đều sử dụng chung một loại rờ le nhiệt khi mua bạn không cần lo lắng nhiều về kích thước của chúng nhé.
Việc thay thế rờ le nhiệt cho nồi cơm điện cũng khá đơn giản, chỉ cần một tua vít và một cây kiềm là đủ để giải quyết vấn đề. Chỉ cần bỏ ra khoảng 30 phút cùng khoảng 15k là nồi cơm điện hoạt động bình thườn trở lại, không còn khó chịu vì ăn cơm sống, cơm khê như trước lại tiết kiệm được chi phí sửa chửa hay mua mới… Quá tuyệt vời phải không nào!