Chưa đủ tin tưởng cũng như tiện lợi trong việc mở khóa điện thoại bằng vân tay, mân mắt… gần đây các nhà nghiên cứu sản xuất điện thoại đang chăm chút vào một công nghệ mới – nhận dạng …môi để mở khóa smartphone.

Tính năng cảm biến vân tay xuất hiện cũng khá lâu, thế nhưng nó được biết đến rõ ràng nhất khi hãng Apple tung sản phẩm iPhone 5s. Cũng từ lúc đó, các nhà sản xuất cạnh tranh đã tìm hiểu để áp dụng tính năng này trên sản phẩm của mình nhằm thu hút người sử dụng. Do vậy mà người dùng đã làm quen với công nghệ bảo mật sinh trắc học này.
Mặc dù Apple không phải là đơn vị tiên phong trong công nghệ này, thế nhưng nhờ Táo mà các hãng điện thoại khác cũng được biết đến nhiều hơn khi tích hợp. Được biết, chiếc di động đầu tiên có tính năng quét vân tay là Toshiba G500 ra mắt năm 2007. Chiếc máy này có màn hình rộng 2.3 inch sử dụng phím bấm T9 dạng trượt và chạy trên nền tảng Microsoft Windows Mobile 5.0
Cho đến hiện nay – năm 2017 khi mà công nghệ ngày càng phát triển, tính năng cảm biến quét vân tay đã được sử dụng rộng rãi, kể cả các sản phẩm smartphone giá rẻ cũng có trang bị. Tuy nhiên, công nghệ này đang đối mặt với hàng loạt nổi lo từ tội phạm công nghệ, chúng có thể qua mặt dễ dàng cơ chế quét vân tay bằng nhiều thủ thuật tinh vi.

Cho đến khi máy quét mống mắt ra đời, người ta mới nhận thấy sự vượt trội bảo mật của tính năng này hơn cả vân tay, khuôn mặt và giọng nói gấp nhiều lần. Bên cạnh khám phá sinh học cho thấy mắt người không hề thay đổi theo thời gian hoặc môi trường. Thậm chí với một số người phẩu thuật, khiếm thị hoặc cận thị cũng không hề ảnh hưởng gì khi sử dụng tính năng này.
Mặc dù được đánh giá cao hơn quét vân tay, nhưng khi sử dụng thực tế quét mân mắt lại xảy ra nhiều vấn đề hạn chế. Cụ thể là trên Samsung Galaxy Note 7, cảm biến Iris Scanner của máy hoạt động tốt trong điều kiện thông thường, kể cả lúc bạn đeo kính. Nhưng với người đeo kính, máy gặp đôi chút khó khăn khi sử dụng dưới trời nắng gắt hoặc có ánh sáng phản chiếu vào kính của họ. Chưa kể là khi trời tối, thiếu ánh sáng người dùng phải đưa sát mắt vào camera để máy quét chính xác hơn.

Do đó chúng ta cần một công nghệ mới, tốt hơn…
Một tin vui là mới đây Đại học Baptist, Hồng Kông đã giới thiệu công chúng hệ thống nhận dạng mật khẩu bằng môi, với hy vọng có thể được sử dụng để xác minh nhận dạng trong các lĩnh vực như thủ tục hải quan và thanh toán điện tử.
Quá trình thiết lập trong vòng vài giây, bạn chỉ cần chọn một cụm từ nào đó (muốn nói tiếng nước nào hay bao nhiêu tùy thích) để đặt làm mật khẩu và sử dụng mà thôi. “Bạn có thể sử dụng tiếng Anh, tiếng Quảng Đông hoặc Putonghua… thậm chí cả tiếng chim kêu chiêm chiếp“, – Giáo sư khoa học máy tính Cheung Yiu-ming, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu chia sẻ với South China Morning Post, nhật báo tiếng Anh, xuất bản tại Hồng Kông.

Trong trường hợp bạn không thể nói lớn các cụm từ, thì hệ thống phân tích cử chỉ môi vẫn có thể xác thực được. Đồng nghĩa với việc, những người không thể phát âm theo cách thông thường do bị khuyết tật gì đó vẫn có thể sử dụng.
Giống như các công nghệ sinh trắc học khác, hệ thống này đã phải trải qua một giai đoạn học tập dài hạn bằng cách thu thập dữ liệu chuyển động môi của nhiều người, trong đó mỗi người cần lặp đi lặp lại ít nhất 10 lần cụm từ được chọn để nhận ra các chuỗi môi (các cử chỉ phức tạp không ai giống ai).
Bởi thế, khó lòng có ai đó bắt chước được chuyển động môi của bạn để qua mặt hệ thống bảo mật này. Đặt trường hợp, kẻ xấu biết được mật khẩu của bạn và ra lệnh cho máy để mở, thì vẫn bị từ chối bởi hệ thống do khẩu hình miệng không trùng khớp. Bên cạnh đó, phương thức này ít bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn xung quanh hơn so với xác thực bằng giọng nói.
Khi được hỏi, yếu tố ánh sáng môi trường xung quanh có ảnh hưởng đến hệ thống bảo mật này không, Cheung cho biết: “Có, nhưng nhìn chung, độ chính xác là khoảng 90%.”
Đấy là chưa kể đến trường hợp, hệ thống có bị đánh lừa bởi một video ghi lại hình ảnh chủ nhân của thiết bị đó đang dùng mật khẩu môi và phát ra giọng đọc cũng như khẩu hình môi tương ứng?
Nhìn chung, tất cả các công nghệ bảo mật sinh trắc học nêu trên vẫn còn đó những bất cập đáng kể. Hy vọng, trong tương lai gần, chúng sẽ được hoàn thiện hơn và người dùng sẽ yên tâm hơn khi sử dụng các thiết bi động.