Theo thời gian sử dụng mà càng ngày bạn cảm thấy chiếc điện thoại Android của mình ngày càng chậm, các thao tác mở ứng dụng – game ì ạch đôi khi giật lag rất khó chịu. Nguyên nhân phần lớn do thói quen sử dụng đi kèm cùng các kiến thức hiểu biết về điện thoại vẫn còn hạn hẹp, chính vì vậy mà trong bài viết hôm nay chúng tôi sẽ thông tin để các bạn cùng biết những cách hữu hiệu nhất giúp điện thoại Android chạy mượt mà hơn dù cho đã mua từ rất lâu.

1. Dọn dẹp bộ nhớ thường xuyên
Một trong những thói quen của đa số người dùng hiện nay chính là lưu trữ mọi thứ ngay trong điện thoại rồi để chúng trong quên lãng và họ chỉ dọn dẹp khi bộ nhớ máy báo đầy. Chưa hết, sau quá trình cài đặt rồi sử dụng, các phần mềm ứng dụng hoặc game có thể tạo ra các dữ liệu cache để chiếm giữ dung lượng bộ nhớ. Thậm chí dù bạn đã gỡ cài đặt các ứng dụng tạo ra nó thì dữ liệu cache vẫn được giữ lại trong bộ nhớ máy gây hao tốn tài nguyên.

Cách tốt nhất bây giờ là sử dụng Files Go – một ứng dụng quản lý tệp siêu gọn nhẹ do chính Google phát triển chuyên dùng để dọn dẹp bộ nhớ trên các thiết bị cấu hình thấp. Với Files Go bạn hoàn toàn kiểm soát được toàn bộ dữ liệu trên điện thoại của mình mặc dù không thể nhìn thấy ở chức năng quản lý tệp có sẵn trên máy.
2. Theo dõi mức độ tiêu hao PIN
PIN là năng lượng cung cấp cho toàn bộ các tính năng trên điện thoại hoạt động, ngoài màn hình nó còn đảm nhận nhiều sự chi phối cho các tính năng khác. Chính vì vậy nếu một ngày nào đó bạn cảm thấy điện thoại của mình nhanh hết PIN hơn bình thường mà đã loại trừ được trường hợp PIN chai thì chúng ta cần kiểm tra lại các ứng dụng đã cài đặt. Vì rất có thể khi màn hình đã tắt đi thì chúng vẫn có thể chạy ẩn nền (không hiển thị thông báo trên màn hình) gây ra hiện tượng hao pin hoặc tình trạng chậm ì ạch của điện thoại.

Để làm việc này rất đơn giản, bạn chỉ cần vào mục Cài Đặt > chọn Ứng dụng > ở mục Đang hoạt động xác định những ứng dụng nghi vấn sau đó nhấn buộc dừng để ngăn chặn nó chạy ngầm (tham khảo ở bài Kiểm tra ứng dụng nào chạy ngầm tốn bao nhiêu RAM trên Android).
3. Tắt các thông báo ngoài màn hình khóa
Phổ biến nhất hiện nay là nhiều người thường cho phép các ứng dụng gửi thông báo khi màn hình đã khóa nhằm tăng sự tiện lợi khi xem thông báo từ bên ngoài. Tuy nhiên cũng ít ai biết được để tính năng đó hoạt động, các ứng dụng bắt buộc phải chạy ngầm dẫn tới thời lượng PIN hao hụt nhanh chóng và điện thoại của bạn cũng sẽ hoạt động nặng nề hơn.

Hiện tính năng chặn thông báo hiện bên ngoài màn hình khóa cũng đã có mặt trên khắp các dòng máy Android nhưng các thao tác dẫn tới nó thì có phần khác nhau nhiều nên các bạn hãy tự tìm hiểu để áp dụng nhé.
4. Tắt các kết nối không cần thiết

Các kết nối như Bluetooth, mạng dữ liệu di động hay Wifi đều có mức hao tốn PIN ở mức độ tùy theo thời gian sử dụng. Thực tế một thử nghiệm cho thấy đối với Bluetooth khi tắt đi, thời gian hoạt động của điện thoại sẽ lâu hơn so với việc cho nó hoạt động liên tục. Nhưng đối với kết nối GPS thì bạn cần cân nhắc trước khi tắt vì nó sẽ ảnh hưởng đến một số ứng dụng cần yêu cần vị trí để hoạt động.
5. Không nên cài đặt các ứng dụng tiết kiệm PIN
Nghe có vẻ ngược đời nhưng cách đây khá lâu nhiều thông tin đã nêu ra dẫn chứng không mấy lạc quan về hiệu quả của các ứng dụng tiết kiệm PIN. Các ứng dụng này sau khi cài đặt đã tốn một dung lượng lớn trên máy chưa kể nó chạy ngầm, hiển thị quảng cáo, rồi đôi khi là chứa các phần mềm độc hại nguy hiểm khác.
6. Vô hiệu hóa và gỡ cài đặt các ứng dụng không cần thiết

Hiện tại ngoại trừ các ứng dụng hệ thống, người dùng hoàn toàn có thể vô hiệu hóa hoặc gỡ cài đặt mọi ứng dụng khác để giảm tải bộ nhớ lẫn tránh hiện tượng giật lag, hao pin khi chúng hiện diện. Bạn có thể truy cập vào mục Quản lý ứng dụng để xem chi tiết hoặc thực hiện gỡ cài đặt các ứng dụng ngay từ giao diện chính. Nếu muốn an tâm hơn về các vấn đề ứng dụng ẩn không tìm thấy như thông thường thì bạn hãy sử dụng Files Go – nó cũng hỗ trợ chức năng này.
7. Di chuyển ứng dụng vào thẻ nhớ
Dung lượng bộ nhớ rộng rãi cũng góp phần giúp điện thoại của bạn chạy mượt mà hơn, nhưng nếu máy bạn có dung lượng bộ nhớ máy thấp mà vẫn muốn lưu trữ nhiều ứng dụng thì sao? Cách đơn giản nhất chính là di chuyển chúng sang thẻ nhớ SD để tiết kiệm không gian một cách hoàn hảo nhất. Hiện có nhiều loại thẻ nhớ mang dung lượng rất lớn từ 8Gb đến cả 256Gb, tha hồ mà lưu trữ nhé.
Để làm việc này, bạn hãy truy cập vào ứng dụng cần di chuyển > ở phần thông tin ứng dụng sẽ có nút Chuyển sang thẻ SD (xem chi tiết tại bài Hướng dẫn chuyển game, ứng dụng từ điện thoại Android sang thẻ nhớ).
8. Tạo thói quen đóng ứng dụng
Khi thoát một ứng dụng nào đó, người dùng thường có thói quen bấm phím Home để nhanh chóng được đưa về màn hình chính. Tuy nhiên lúc này ứng dụng đó vẫn chưa thực sự thoát hoàn toàn mà chỉ chạy ẩn mà thôi chính vì vậy mà vô tình chúng ta đã tạo thói quen ép buộc ứng dụng phải chạy ngầm góp phần gây ra hiện tượng hao PIN, giật lag trên máy.

Thay vào đó, từ nay bạn hãy dùng phím Back có thể nhấn nhiều lần hoặc đè phím Tùy Chọn rồi đóng hoàn toàn các tác vụ ứng dụng khi không còn sử dụng nữa.
Trên là một số mẹo đơn giản mà hữu hiệu nhất giúp điện thoại Android của bạn luôn hoạt động mượt mà như lúc mới mua. Chúc các bạn thành công!