Cũng giống như hình ảnh, video… các tệp tin âm thanh như nhạc cũng có nhiều mức chất lượng khác nhau. Dĩ nhiên nhạc có chất lượng càng cao thì càng mang đến trải nghiệm nghe được tốt hơn nhờ các dải âm thanh được thể hiện rõ ràng và đầy đủ.
Hiện nay mức chất lượng nhạc phổ biến nhất là 128 Kbps, ở một số dịch vụ nghe nhạc trực tuyến như Zing Mp3 đã cho phép người dùng nghe miễn phí ở chất lượng 320 Kbps. Với các mức chất lượng cao hơn như Lossless thì vẫn chưa được phổ biến, đa số đều phải trả phí để thưởng thức.
Tuy nhiên không phải thiết bị nào hiện nay cũng có thể hỗ trợ nghe nhạc chất lượng cao. Với một thiết bị không hỗ trợ, cho dù bạn nghe cùng một bản nhạc nhưng với nhiều mức chất lượng khác nhau cũng sẽ không thể nhận ra sự khác biệt nào. Ngoài ra nhạc có chất lượng càng cao thì dung lượng của nó cũng càng nặng, chiếm bộ nhớ thiết bị và cả kết nối internet khi tải xuống hoặc nghe trực tuyến so với chất lượng thông thường.
Ngược lại nếu bạn có một thiết bị hỗ trợ nghe nhạc chất lượng cao nhưng không biết bản nhạc đang nghe thuộc mức chất lượng nào thì hãy tham khảo bài viết này. Chúng tôi xin chia sẻ một số cách đơn giản để phân biệt mức chất lượng cho một bản nhạc, mời các bạn tham khảo.
Hướng dẫn phân biệt chất lượng nhạc (cơ bản)
1. Nguồn gốc
Đầu tiên hãy xác định nguồn gốc bản nhạc mà bạn đang nghe được cung cấp bởi đơn vị nào. Dĩ nhiên nếu đơn vị cung cấp đó uy tín, có tiếng tăm thì bạn có thể tin tưởng được. Ngoài ra để đảm bảo hơn bạn cũng nhớ thiết lập chất lượng trước khi nghe hoặc tải về. Có thể kể đến một số đơn vị cung cấp nhạc chất lượng cao có uy tín tại Việt Nam như: Zing MP3, NhacCuaTui, SoundCloud, Spotify…
2. Thông tin
Một cách khác để phân biệt giữa nhạc chất lượng cao và thấp nữa là xem thông tin của nó. Nhạc có chất lượng cao thường hiển thị đầy đủ các thông tin về tên Album, Ca sĩ, Ảnh bìa… trong khi đó nhạc chất lượng thấp thì chỉ có mỗi tên bài hát. Phần lớn các trình phát nhạc hiện nay trên smartphone đều có tính năng xem thông tin của bài hát, do mỗi loại có một cách thực hiện khác nhau nên các bạn hãy tự tìm hiểu nhé.
3. Dung lượng
Nhạc có chất lượng càng cao thì dung lượng càng nặng và ngược lại. Cái này hầu như mọi người ai cũng biết nhưng khả năng phân biệt chính xác từng mức chất lượng thì không phải ai cũng làm được.
Thông thường với một bản nhạc có chất lượng trung bình 128Kbps thì sẽ có dung lượng tương đương với thời lượng của nó. Ví dụ một file nhạc MP3 128Kbps với độ dài 5 phút 30 giây thì sẽ có dung lượng khoảng 5 MB (có thể thấp hơn hoặc cao hơn một chút).
Trong khi đó, với chất lượng 320Kbps thì dung lượng sẽ gấp 2.3 lần so với độ dài. Ví dụ, một file nhạc MP3 320Kbps với độ dài 5 phút thì chúng ta sẽ làm phép tính 5×2.3 là sẽ ra 11.5MB và đó là dung lượng của bài hát.
4. Sử dụng công cụ
Nếu các bài thử nghiệm trên vẫn chưa giúp bạn tin tưởng về chất lượng bản nhạc, hãy sử dụng các công cụ chuyên nghiệp để kiểm tra tần số phổ âm thanh (spectrum). Dựa thêm tần số phổ âm thanh, chúng ta sẽ biết được bản nhạc thuộc mức chất lượng nào với khả năng chính xác rất cao. Cụ thể như sau:
- MP3 128Kbps: Spectrum sẽ dao động từ 16000 – 18000Hz
- MP3 320Kbps: Spectrum chỉ dừng lại ở mức 20000Hz, có thể vượt qua nhưng không đáng kể
- M4A 256Kbps: Spectrum vượt qua mức 20000Hz, mức chất lượng này nghe hay không kém gì VAV/FLAC nhưng dung lượng lại nhẹ hơn cả MP3
- VAV/FLAC: Spectrum cũng vượt qua mức 20000Hz như M4A 256Kbps và có độ nét cao.
Và để kiểm tra spectrum của một bài hát trên smartphone, bạn hãy làm theo các bước sau:
Bước 1: Cài đặt ứng dụng Aspect Pro – Spectrogram Analyzer for Audio Files (Google Play/APK).
Bước 2: Mở ứng dụng, cấp quyền truy cập tệp tin trong lần đầu tiên sử dụng.
Bước 3: Bấm vào biểu tượng thư mục, tìm chọn bản nhạc mà bạn cần kiểm tra spectrum.
Bước 4: Bấm vào biểu tượng spectrum (cạnh biểu tượng thư mục) để tiến hành kiểm tra.
Chờ trong giây lát, quan sát đỉnh cao nhất của thành màu rồi đối chiếu với thanh tần số (đơn vị Hz) ở cột trái để biết được spectrum của bài hát là bao nhiêu cũng như nó thuộc mức chất lượng nào.