Cùng chủ đề với Photoshop:
Hầu hết các dòng smartphone hiện nay đều có chế độ chụp toàn cảnh (Panorama). Tính năng này giúp chúng ta chụp được những bức ảnh có góc nhìn rộng hơn so với bình thường, rất thường được sử dụng khi chụp phong cảnh. Tuy nhiên những bức ảnh góc rộng được chụp từ chế độ Panorama của điện thoại chỉ ghi lại một phần của quang cảnh thực tế, chất lượng không như mong đợi…
Bình thường, nếu muốn chụp một bức ảnh với góc rộng hơn bạn cần có ít nhất một chiếc điện thoại trang bị camera góc siêu rộng hoặc máy ảnh với ống kính chuyên dụng… Mặc dù vậy, kể cả khi bạn không có 2 thiết bị trên và thậm chí điện thoại của bạn cũng thuộc loại bình thường không được trang bị camera góc rộng… thì vẫn có thể tạo ra những bức ảnh góc rộng đáng kể nhờ phần mềm Photoshop (PTS).
Trong phần mềm chỉnh sửa hình ảnh Photoshop có một tính năng giúp chúng ta tạo ảnh góc rộng từ những ảnh nhỏ. Điểm hay của tính năng này là nó hoàn toàn tự động, dễ sử dụng và đặc biệt là khả năng xử lý thông minh, không khiến ảnh bị lệch hay biến dạng… Những gì mà bạn cần làm lúc này là chỉ cần tham khảo nội dung dưới.
Hướng dẫn tạo ảnh góc rộng Panorama được chụp từ điện thoại
1. Chuẩn bị
Dĩ nhiên để bức ảnh góc rộng sau khi tạo có chất lượng cao nhất có thể bạn nên có một chiếc smartphone có thông số camera ổn định (tầm 5 triệu trở lên hoặc iPhone 7 trở lên) cùng một chân đế (tripod) để cố định điện thoại. Về chân đế, bạn hãy dùng các loại có tay điều khiển sang trái phải linh hoạt – rất quan trọng khi chụp.
Ngoài ra bạn nên thiết lập lại chế độ chụp cho điện thoại ở chế độ thông thường, sử dụng camera chính để có chất lượng và độ nét tốt nhất. Kể cả khi điện thoại bạn có camera góc rộng thì cũng đừng sử dụng vì hình ảnh mà nó tạo ra thường kém chất lượng hơn với camera chính, chưa kể còn bị biến dạng gây ảnh hưởng khi chúng ta ghép ảnh góc rộng.
Bên cạnh đó nhớ thiết lập khung ảnh camera về tỷ lệ 4:3 thay vì 16:9 hay 18:9, điều này giúp ảnh chụp có góc nhìn rộng hơn về cả hai bên.
2. Chụp ảnh
Thao tác chụp ảnh không có gì phức tạp. Bạn chỉ cần lắp điện thoại vào chân đế, mở ứng dụng camera với các thiết lập đã thực hiện cùng một góc chụp ưng ý. Sau khi xác định góc chụp, chúng ta sẽ chụp theo thứ tự từ trái sang phải hoặc từ phải sang trái.
Tùy theo độ rộng của ảnh mà bạn có thể chia thành 4-5 tấm tương đương 4-5 lần chụp, mỗi lần chụp xong 1 ảnh bạn cứ việc sử dụng tay điều khiển của chân đế để điều chỉnh góc camera để chụp tấm kế tiếp. Cứ thế lặp lại cho đến khi hoàn tất. Để bức ảnh góc rộng lưu trữ được cảnh quan thực tế đầy đủ, tốt nhất bạn nên chụp theo kiểu 3 hàng 5 cột (15 bức).
Ví dụ:
- 5 bức hàng trên cùng là bầu trời, 5 bức ở hàng giữ là nữa bầu trời nữa mặt đất và 5 bức ở hàng dưới cùng là mặt đất
Lưu ý: Trong quá trình chụp, đảm bảo bức trước có thể liền kề với bức sau và hàng trên liền kề với hàng dưới, tốt nhất là khoảng 10%. Tránh tình trạng các bức ảnh quá rời rạc khiến tính năng tạo ảnh góc rộng của Photoshop xử lý không tốt và tạo ra các bức ảnh bị lỗi.
3. Ghép ảnh
Sau khi chụp xong, các bạn chép những bức ảnh sang một thư mục riêng trên máy tính sau đó sử dụng 1 trong 2 cách sau để tạo ảnh góc rộng.
Cách 1: Sử dụng tính năng Photomerge
Đây là phương pháp tạo ảnh góc rộng bằng Photoshop cơ bản, dễ sử dụng. Tính năng có trên mọi phiên bản Photoshop, bao gồm bản Portable.
Bước 1: Mở ứng dụng Photoshop trên máy tính, trong giao diện chính bấm nút File > Automate > Photomerge…
Bước 2: Trong pop-up Photomerge vừa hiện, tab Layout chọn Auto và bấm nút Browser… sau đó chọn tất cả ảnh đã chụp.
Bước 3: Ngay sau đó tiến trình xử lý ảnh sẽ diễn ra, bạn cần chờ đợi đến khi tất cả hình ảnh đã chọn ghép thành một ảnh. Tiếp đến bấm vào biểu tượng danh mục mở rộng ở khu vực Layers, chọn tính năng Flatten image để hợp nhất các layer thành một.
Bước 4: Sử dụng tính năng Crop tool hoặc bấm phím C để sử dụng tính năng cắt và cắt lấy bức ảnh hoàn chỉnh (loại bỏ các phần thừa ở 4 góc). Cuối cùng bấm Enter để lưu ảnh góc rộng hoàn chỉnh vào máy tính.
Cách 2: Sử dụng tính năng Camera Raw
Đây là phương pháp tạo ảnh góc rộng bằng Photoshop nâng cao, tự động cắt ảnh đã tạo đồng thời hỗ trợ chỉnh màu trước khi lưu. Tính năng chỉ có trên các phiên bản mới của Photoshop.
Bước 1: Mở ứng dụng Photoshop trên máy tính, trong giao diện chính bấm nút Edit > Preferences > Camera Raw
Bước 2: Trong pop-up vừa hiện, chọn mục File Handing. Tại dòng JPEG đổi thành chế độ “Automatically open all supported JPEGs” sau đó bấm OK để lưu lại.
Bước 3: Ngay sau đó bạn sẽ trở về giao diện chính của Photoshop, lúc này bạn hãy sử dụng thao tác kéo thả tất cả ảnh đã chụp vào Photoshop.
Bước 4: Một pop-up sẽ hiện lên với những ảnh mà bạn đã đưa vào, hãy bấm phím tắt CTRL + A để chọn tất cả. Tiếp đến nhấp chuột phải vào một bức ảnh bất kỳ, chọn Merge to Panorama… hoặc bấm phím tắt CTRL + M
Bước 5: Chờ cho quá trình xử lý hoàn tất, pop-up xem trước ảnh góc rộng đã tạo sẽ hiện ra. Tại đây bạn giữ nguyên các thiết lập như mặc định và bấm nút Merge…
Bước 6: Chọn thư mục và đặt tên ảnh góc rộng vừa tạo để lưu vào máy tính dưới định dạng .dng (Digital Negative) . Đây là định dạng thô, cho phép chúng ta chỉnh sửa lại nếu cần thiết trong Photoshop.
Cũng tại giao diện xem trước bạn có thể điều chỉnh các thông số ở cột phải để bức ảnh có màu sắc đẹp hơn nếu muốn.
Sau khi hoàn tất, bấm nút Open Image.
Bước 7: Ảnh góc rộng vừa tạo sẽ đưa vào giao diện chỉnh sửa của Photoshop, tại đây bạn bấm vào biểu tượng danh mục mở rộng ở khu vực Layers, chọn tính năng Flatten image.
Bước 8: Sử dụng tính năng Crop tool hoặc bấm phím C để sử dụng tính năng cắt và cắt lấy bức ảnh hoàn chỉnh (loại bỏ các phần thừa ở 4 góc). Cuối cùng bấm Enter để lưu ảnh góc rộng hoàn chỉnh vào máy tính.
Chúc các bạn thành công!